TRANH ĐỒNG PHỦ VÀNG

     Tranh đồng phủ vàng, một dòng tranh vừa quen vừa lạ được sáng tạo nên bởi đôi bàn tay của những nghệ nhân làng nghề Đồng Xâm nổi tiếng. Làng Đồng Xâm từ lâu đã được biết đến là nơi chế tác ra những sản phẩm chạm bạc vô cùng tinh xảo, nhưng ngày nay thế mạnh của làng nghề chủ yếu xoay quanh chất liệu đồng, đúc tượng, đồ thờ tự trong đó dòng tranh đồng phủ vàng được coi là sản phẩm tập trung cao nhất sự tinh tế, tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Tranh đồng vốn đã có từ lâu đời, không chỉ Đồng Xâm Thái Bình, một số làng nghề khác ở miền Bắc như Đại Bái, Bắc Ninh hay Ý Yên, Nam Định cũng có nghề làm tranh đồng truyền qua bao thế hệ nhưng tranh đồng phủ vàng lại là sáng tạo dựa trên những giá trị cha ông để lại. Để chế tác nên một bức tranh đồng phủ vàng phải trải qua rất nhiều công đoạn, với nhiều nghệ nhân thực hiện.

     Tấm đồng dùng làm tranh được đặt lên bàn trám, cố định bởi lớp si được làm từ nhựa thông và bột đá, trong khi thực hiện chạm (hay còn gọi là thúc tranh) người thợ dùng đèn xì nướng cho miếng đồng mềm ra, bản vẽ bức tranh được in ra giấy dán lên tấm đồng phẳng và tiến hành công đoạn thúc. Từ bản vẽ giấy, từng đường nét của bức tranh sẽ được chạm trên mặt đồng. Tiếp đó người thợ thực hiện các thao tác tạo khối, làm lõm các chi tiết xuống, mỗi chi tiết có độ nông sâu khác nhau. Với những bức tranh kích thước nhỏ, người thợ phải tập trung khoảng 3 ngày mới có thể hoàn thành công đoạn chạm thúc nhưng với những bức tranh đồng lớn hơn công đoạn thúc phải mất 8 ngày. Từng chi tiết của bức tranh dần hiện ra sống động trên tấm đồng tưởng như khô cứng. Có thể nói đây chính là công đoạn khó nhất của quá trình làm tranh đồng phủ vàng. Chỉ có những người thợ giỏi giàu kinh nghiệm mới có thể thực hiện.

     Các bức tranh sau khi thúc xong sẽ được lật ngược lại để đưa vào công đoạn tỉa. Nếu như quá trình thúc tạo hình khối cho bức tranh thì tỉa sẽ làm cho các chi tiết nổi lên, từng đường nét trở nên rõ ràng hơn. Chỉ dùng những chiếc búa, chiếc ve thô sơ, những người thợ như thổi hồn cho từng chiếc lá, bông hoa hay những hoa văn trang trí tinh tế. Điều đặc biệt ở làng Đồng Xâm là phụ nữ cũng tham gia vào công việc làm tranh đồng. Họ thường đảm nhận việc tỉa tranh vốn là công đoạn đỏi hỏi sự tỉ mẩn, chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

     Trải qua hai công đoạn quan trọng nhất là thúc và tỉa, những bức tranh đồng được tách ra khỏi bàn trám và đem đi làm sạch bằng cách hơ lửa, lớp si của bàn trám dính trên tấm đồng sẽ bị chảy ra đồng thời tấm đồng cũng trở nên mềm hơn, giúp cho việc làm phẳng bức tranh về sau. 

     Trước ki đưa tác phẩm đi phủ vàng, những người thợ phải thực hiện một công đoạn không thể thiếu là mài trơn. Quá trình mài mất đến vài tiếng đồng hồ hoặc cả ngày tùy từng sản phẩm. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, kỹ càng vừa không bỏ sót chi tiết vừa không được làm mất đi các chi tiết nhỏ. Bằng kinh nghiệm của mình người thợ thực hiện mài các bức chạm đồng cho tới khi phần nền và toàn bộ chi tiết trở nên trơn mịn, sáng bóng mới mang đi mạ hay dát vàng.

     Sau 4 công đoạn các bức tranh càng trở nên đẹp và tinh xảo hơn. Để có được những tác phẩm vừa lấp lánh ánh kim, vừa mềm mại trong từng đường nét thực sự là cả một quá trình sáng tạo đầy tâm huyết và công phu của những người thợ có bàn tay điêu luyện.

     Những bức tranh đồng phủ vàng với nhiều chủ đề như phong cảnh làng quê, tranh tứ quý, tranh chữ vừa gợi sự gần gũi thân thuộc lại vừa mang nét sang trọng cao quý.. Giá trị của các tác phẩm không chỉ thể hiện ở chất liệu mà còn là tính nghệ thuật thẩm mĩ, là quá trình sáng tạo hoàn toàn thủ công và cả những giá trị văn hóa độc đáo chứa đựng trong đó.

     Thái Bình - mảnh đất của những con người cần cù chất phác, mảnh đất của những người thợ thủ công điệu nghệ và tài hoa. Hàng trăm năm đã trôi qua, nghề chạm bạc, chạm đồng ở làng Đồng Xâm - Thái Bình vẫn được bảo lưu và gìn giữ. Thế hệ trẻ của Đồng Xâm ngày nay không chỉ kế thừa những tinh hoa của lớp người đi trước mà còn tìm tòi, sáng tạo để những giá trị văn hóa truyền thống được hồi sinh và tỏa sáng trong đời sống hiện đại.

- st -